Thứ hai, 29/04/2024

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2024)

Thứ hai, 03 Tháng 7 2023 13:51

BẢN CHẤT DÂN CHỦ CỦA CHẾ ĐỘ TA – TIỀN ĐỀ, CƠ SỞ CỦA CÔNG TÁC DÂN VẬN THEO QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Thế Nguyên

Khoa Xây dựng Đảng

 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”. Bên cạnh đó, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”. Những quan điểm được Đảng ta nhìn nhận và đánh giá xuất phát từ quá trình nghiên cứu lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ và hơn hết là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiểu đúng về bản chất dân chủ của chế độ ta là một trong những tiền đề, cơ sở quan trọng để thực hiện tốt công tác dân vận hiện nay.

1. Bản chất dân chủ của chế độ ta theo quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một trong những tư tưởng lớn, nét đặc sắc có ý nghĩa quan trọng trên con đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó chính là Người đã kế thừa, vận dụng và phát triển những quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ và bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa là dân là chủ dân làm chủ. Hồ Chí Minh đưa ra một luận đề rất ngắn gọn, cô đọng, lột tả được thực chất, bản chất của dân chủ. Khẳng định dân là chủ và dân làm chủ, Người muốn nhấn mạnh vị thế và hành động của nhân dân. “Là chủ” thể hiện vị thế chính trị - xã hội, tính tích cực chính trị và hành động của dân. “Làm chủ” là hành động của nhân dân, biểu hiện năng lực thực hành dân chủ, thước đo về trình độ ý thức dân chủ của dân với tư cách là chủ thể quyền lực, thực hiện ủy quyền của mình vào thể chế chính trị và thể chế nhà nước. Mọi chủ trương, đường lối thuộc tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… đều được Hồ Chí Minh xem xét và giải quyết từ địa vị người dân làm chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Người khẳng định : “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”[1]. “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”[2], “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ”[3].

Những quan điểm đó xuất phát từ sự tôn trọng nhân dân. Người cũng chỉ rõ trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trên thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Người còn nhấn mạnh, dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân. Như vậy, Người coi dân chủ là một giá trị, một tài sản (thành quả do đấu tranh giải phóng mà có) nên dân phải được làm chủ, là chủ thể sở hữu tài sản ấy. Nó quy định tính tất yếu nhà nước phải là của dân. Dân là chủ sở hữu nhà nước của mình. Nhà nước chỉ là chủ thể đại diện cho chủ thể ủy quyền là dân.

Trong tác phẩm nổi tiếng “Dân vận” (năm 1949), Người đã cô đúc lý luận dân chủ ngay ở phần mở đầu tác phẩm, trong đó Người nói rõ: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích thuộc về dân. Bao nhiêu quyền đều là của dân. Quyền hành và lực lượng là ở nơi dân.

Cũng do đó, tôn trọng dân chủ thì tất yếu phải đề cao dân, phải trọng dân (tôn trọng, kính trọng, lễ phép) và trọng pháp (pháp luật để bảo vệ dân).

Dân chủ với sự nổi bật địa vị, vai trò, sức mạnh của dân như vậy nên bản chất của dân chủ là một bản chất nhân văn (đề cao giá trị con người) và một bản chất pháp lý (nhà nước pháp quyền với luật pháp là tối thượng để bảo vệ dân). Nhân văn và pháp lý là hai thuộc tính nổi bật của dân chủ.

Công tác dân vận là một trong những hoạt động quan trọng của Đảng hướng tới mục đích dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, là nhân tố quan trọng góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Để thực hiện tốt công tác dân vận phù hợp với tình hình, thực tiễn của đất nước có nhiều tiền đề, cơ sở khác nhau, trong đó việc nghiên cứu và vận dụng tư tưởng của Bác về phát huy dân chủ có ý nghĩa đặc biệt.

  1. Công tác dân vận của Đảng là gì?

Công tác dân vận của Đảng được hiểu là toàn bộ hoạt động của Đảng nhằm vận động, thuyết phục, tập hợp, hướng dẫn mọi tầng lớp nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trong điều kiện Đảng cầm quyền xây dựng chủ nghĩa xã hội, công tác dân vận của Đảng được thể hiện bằng đường lối, chính sách của Đảng và việc thực hiện đường lối chính sách đó thông qua Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; thông qua các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội và tổ chức Đảng.

Theo chủ nghĩa Mác, cách mạng vô sản muốn thắng lợi phải được sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, người lao động và Nhân dân là người “sáng tạo ra lịch sử”. C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định, để đảm bảo cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và các giai cấp bóc lột khác xây dựng xã hội mới công bằng, văn minh hơn, cần có hai yếu tố cơ bản: một là, giai cấp công nhân phải tự tổ chức ra được một chính đảng độc lập; hai là, bản thân quần chúng phải tự mình tham gia vào công cuộc cải tạo ấy, phải tự mình hiểu rõ đó là vai trò và vì sao mình phải tham gia. Nhưng muốn cho quần chúng hiểu rõ phải làm gì, làm như thế nào và tự giác làm thì “cần phải tiến hành một công tác lâu dài và kiên nhẫn” tức là phải tiến hành công tác dân vận.

Kế thừa những tư tưởng và quan điểm đúng đắn của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng khéo léo vào tình hình thực tiễn Việt Nam trong hoạt động thực hiện công tác dân vận, theo Người công tác dân vận là : Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho.

3. Phát huy dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là điều kiện và tiền đề để thực hiện công tác dân vận của Đảng hiện nay

Dân chủ là điều kiện, tiền đề, là cơ sở để thực hiện tốt công tác dân vận. Phương thức cơ bản của công tác dân vận là thực hành dân chủ, đây là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Trong nhiều tác phẩm, bài nói và viết, Bác Hồ thường nhấn mạnh: Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành. Trên cơ sở lý luận này chúng ta thấy rằng, trong quan điểm của mình Bác luôn đề cao việc phát huy tính dân chủ. Muốn làm cho nhân dân hiểu thì trước hết cần bàn bạc với dân, lấy ý kiến của nhân dân, được sự đồng thuận của nhân dân. Muốn như vậy, không có con đường nào tốt hơn bằng việc phát huy tính dân chủ để từ đó mọi người dân đều có quyền thảo luận và đi tới thống nhất, từ đó để cùng nhân dân thi hành những nội dung đã được thảo luận rộng rãi và nhất trí cũng như kiểm chứng lại những công việc đã được thực hiện. Có như vậy mới lôi cuốn được nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân qua đó mọi công việc của Đảng mới được tiến hành suôn sẻ và đạt nhiều thắng lợi.

Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Từ chỗ đánh giá cao vai trò của dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Trong nước dân chủ thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng Nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Phong cách Hồ Chí Minh về dân chủ xuất phát từ chỗ tôn trọng Nhân dân, đề cao vai trò, vi trí của Nhân dân. Dù bận trăm công ngàn việc nhưng Người vẫn luôn dành thời gian để đi cơ sở, về với dân, đến với quần chúng để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững ý nguyện của nhân dân luôn luôn là nhu cầu thường trực của Bác.

Thực hiện tốt công tác dân vận phải trên tinh thần của việc phát huy dân chủ trong nhân dân. Đối với Nhà nước dân chủ thì các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều phải phụng sự Nhân dân, là công bộc của dân, làm đầy tớ trung thành của Nhân dân. Dân chủ được Bác Hồ giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ. Phát huy dân chủ là tìm mọi cách bàn bạc, giải thích cho dân hiểu rõ, ngay cả những việc trực tiếp có lợi cho dân, nếu làm theo cách hạ lệnh, cưỡng bức, thì dân không hiểu. Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng Nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, ý thức tôn trọng Nhân dân còn phải chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm Nhân dân; phải luôn tôn trọng và giữ gìn của công của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chính phủ là công bộc của dân, cán bộ, đảng viên là đầy tớ của dân. Các công việc của chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh (xem Hồ Chí Minh Toàn tập, t4, tr22).

Kế thừa, tiếp nối tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, công tác dân vận của Đảng được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, chỉ thị khác nhau tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác dân vận. Gần đây nhất là tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: Quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy tốt hơn trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền đã lắng nghe, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, tôn trọng các ý kiến khác nhau của Nhân dân.

Có thể nói, những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ của nhân dân trong việc thực hiện công tác dân vận là ngọn đuốc soi đường cho Đảng ta, nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạo sự đồng thuận nhất trí cao, tạo mối quan hệ gắn kết bền chặt giữa Đảng với nhân dân. Với sự chỉ dẫn đó chúng ta có thể tin tưởng rằng sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng chắc chắn thành công, nhân dân ta được hưởng cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc theo đúng ý nguyện của Người./.

 

[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 6,Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.515

[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 9,Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.285

[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 6,Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.251, tr.323

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

  • Hình_LD

    Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với trường Chính trị

  • Bế giảng C17

    Lễ Bế giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị C17 Lâm Đồng

  • DH ĐOAN TRUONG

    Đại hội Đoàn TNCSHCM trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 - 2027

  • HN CBCC 2022

    Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022

  • Bế giảng K36

    Lễ Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K36 hệ tập trung

  • DH Chi bo 1

    Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2022-2025 (Đại hội mẫu)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
001155976
Đang truy cập : 6