Thứ hai, 29/04/2024

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2024)

Thứ hai, 12 Tháng 6 2023 14:55

LÂM ĐỒNG: HIỆU QUẢ TỪ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC - ĐỐI CHỨNG VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH VỀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC HIỆN NAY

* Đoàn Quang Duy Tuấn

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

 

Trong những năm qua, nhằm phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng vùng đồng bào dân tộc tỉnh Lâm Đồng, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đã được lãnh đạo chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời đã mang lại những kết quả to lớn trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh, đã tạo tiền đề và cơ sở minh chứng vững chắc để đánh tan những âm mưu, hành động của các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng các vấn đề dân tộc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như phủ nhận những thành quả từ các chính sách dân tộc mà Việt Nam đã đạt một cách tự hào và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo trong hơn 35 năm qua đã mang lại những thay đổi to lớn trên mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội ở Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đã giành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ to lớn cho các dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là các nhóm dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các dân tộc có dân số ít... trong đó có cộng đồng các DTTS ở tỉnh Lâm Đồng.

Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam là những quyết sách của Đảng, Nhà nước tác động trực tiếp đến các dân tộc và quan hệ giữa các dân tộc để phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội (VH - XH), bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở vùng DTTS nhằm nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, hướng tới mục tiêu bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các vùng và các dân tộc ở Việt Nam.

Thực hiện chính sách dân tộc là việc đưa các quyết sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống trên cơ sở cụ thể hóa các quyết sách thông qua việc: thông tin, hướng dẫn, phân công trách nhiệm, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, mục tiêu, yêu cầu quy định trong chính sách. Thực hiện chính sách dân tộc thể hiện mục tiêu công bằng xã hội, là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa; thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cả nước đối với những đóng góp của đồng bào dân tộc trong sự nghiệp cách mạng giành và giữ nền độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lâm Đồng là tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên có độ cao trung bình 800 đến 1000m so với mực nước biển, diện tích 9.783,34 km2, có 12 đơn vị hành chính cấp huyện (10 huyện, 02 thành phố: Đà Lạt và Bảo Lộc); 142 đơn vị hành chính cấp xã (111 xã, 18 phường, 13 thị trấn). Dân số 1.307.163 người với 47 dân tộc cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 70.655 hộ với 314.104 người, chiếm 24,1% dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên 39.792 hộ với 196.061 người, chiếm 15,0%; có 66 xã và 468 thôn có trên 20% đồng bào DTTS sinh sống. Vùng đồng bào DTTS và miền núi: 78 xã, 478 thôn, tổ dân phố theo tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ; trong đó có 4 xã thuộc khu vực III, 1 xã khu vực II, 72 xã khu vực I (Quyết định số: 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021) và 49 thôn đặc biệt khó khăn (Quyết định số: 612/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021)[1]. Một số đồng bào DTTS có số lượng lớn, như: Cơ Ho, Mạ, Churu, Nùng, Tày, Hoa, M’Nông. Phần lớn các dân tộc ở tỉnh Lâm Đồng sống đan xen, có tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Lâm Đồng, sự chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh; các ban, ngành, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị và toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Trung ương, Chính phủ về công tác dân tộc; đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết, hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS để làm căn cứ cho địa phương triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, bất chấp những thành quả vượt bậc trong thực hiện chính sách dân tộc nói chung, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua, các thế lực thù địch vẫn ngày đêm ra sức xuyên tạc, chống phá bằng nhiều thủ đoạn với mưu đồ phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, nhằm vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam, mỗi khi đề cập tới cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, từ các báo cáo nhân quyền hàng năm, Tin lành Đề Ga cho đến những luận điệu “đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị ngược đãi, phân biệt đối xử”, hay gần đây ở Lâm Đồng khi Dự án hồ chứa nước Ta Hoét (tại thôn K’Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) khởi công, tổ chức Việt Tân đã nhân cơ hội bóp méo sự thật, xuyên tạc “Chính quyền cướp đất của dân” để kích động người dân chống đối, cản trở việc thi công triển khai dự án, gây rối tình hình trật tự địa phương... Nhưng sự thật không thể phủ nhận khi đối chứng với hiệu quả thực tế từ các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta triển khai trong cả nước, trong đó có tỉnh Lâm Đồng không khó để nhận ra đó là các nhận định phiến diện, mù quáng đầy bịa đặt, vu khống đến từ các thế lực thù địch đang ra sức phủ nhận những thành quả từ các chính sách dân tộc mà Việt Nam đã đạt một cách tự hào và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2022 được tổ chức vào ngày 4/1/2023, đã cho thấy sự vào cuộc, chung sức của hệ thống chính trị cả nước từ trung ương đến địa phương. Các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, nổi bật nhất là việc phối hợp triển khai và hướng dẫn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đề xuất các đề án trong chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc… Tỷ lệ nghèo đa chiều cả nước duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4 - 5%/năm. Một số địa phương vùng dân tộc thiểu số ước đạt mức tăng trưởng cao như: Lai Châu 9%, Tuyên Quang 8,8%. Trên 6,5 triệu hộ nghèo và cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển kinh tế... Tính đến cuối năm 2022, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551 xã khu vực III. Từ năm 2021, hầu hết các chính sách dân tộc được tích hợp vào Chương trình Mục tiêu quốc gia. Cùng với việc tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia , Ủy ban Dân tộc còn tiếp tục đôn đốc thực hiện các chính sách dân tộc khác còn hiệu lực như: Đề án Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016, Quyết định số 771/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025 theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ…

Đối với tỉnh Lâm Đồng, cùng hướng về mục tiêu chung xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thời gian qua, ngoài việc phát triển chung toàn tỉnh, Lâm Đồng còn đặc biệt chú trọng đến công tác dân tộc cũng không ngoài mục tiêu phát triển KT - XH vùng DTTS và miền núi, nhằm cải thiện đời sống và giảm khoảng cách chênh lệch về mức sống của nhân dân các vùng miền, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách về công tác dân tộc góp phần quan trọng phát triển KT - XH vùng DTTS trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc, các chương trình dự án được đầu tư; chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa vùng đô thị với vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho sự bứt phá về phát triển KT - XH của vùng đồng bào dân tộc. 

Bên cạnh đó, hàng năm trong Nghị quyết lãnh đạo phát triển KT - XH, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng đều xác định nhiệm vụ trọng tâm tập trung ưu tiên đầu tư các nguồn lực cho vùng DTTS, ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện các chính sách về công tác dân tộc và nội dung Quyết Tâm thư Đại hội Đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên (2006); thực hiện hiệu quả các Chương trình: 135, 134, 30a; trợ cước, trợ giá, chương trình hỗ trợ vay vốn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, các dự án định canh định cư, ổn định dân di cư tự do, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc để ổn định cuộc sống; Phát triển toàn diện văn hóa các dân tộc thông qua việc sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp của đồng bào dân tộc; Đào tạo để tạo nguồn và sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc, nhất là các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở; thực hiện tốt chính sách cán bộ người dân tộc và người có uy tín trong vùng dân tộc …

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, 15 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên (2006 - 2021), thực hiện công tác phát triển KT - XH vùng DTTS qua từng giai đoạn đã chỉ ra những kết quả nổi bật đạt được như:

Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từng bước được đầu tư; sản xuất có bước phát triển, công tác y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội được chú trọng. Các chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển KT - XH trong vùng đồng bào DTTS được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS đã có nhiều thay đổi nhờ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2016 - 2020: 8.517 tỷ đồng), thực hiện các dự án sắp xếp, bố trí dân di cư tự do các vùng đặc biệt khó khăn (giai đoạn 2016 - 2020: 161 tỷ đồng)... Ngày càng nhiều hộ gia đình nhờ đó vươn lên thoát nghèo, nhiều thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Cùng với chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành, một số địa phương đã vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bước đầu triển khai có hiệu quả như: “Nhiều người giúp một người” (Hòa Nam - Di Linh); “Giúp nhau giảm nghèo nhanh, bền vững” (xã Tà Năng - Đức Trọng); phát triển kinh tế hộ sản xuất (xã B’Lá - huyện Bảo Lâm)… Tính đến cuối năm 2022, một số chỉ tiêu đạt được trong vùng DTTS: Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc còn 3,58%; hộ cận nghèo 8,63%; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 90,69% đồng bào DTTS có thẻ BHYT; 100% thôn, buôn có điện; 97% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 90% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh; 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 90% đường trục liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 110/111 xã đạt tiêu chí về giao thông (xã Đưng K’Nớ chưa đạt); 97,88% xã, phường, thị trấn (trong đó 100% xã vùng dân tộc có thiết chế văn hóa; 96% thôn buôn có thiết chế văn hóa; 100% xã, phường, thị trấn có nhà trẻ, mẫu giáo[2]. Để tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được cũng như khắc phục những khó khăn còn chưa đạt được về công tác dân tộc trong giai đoạn tới, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương và làm cơ sở để tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình trên địa bàn tỉnh, ngày 03 tháng 6 năm 2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm đồng giai đoạn 2022-2030, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 1183/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2022 về Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.  Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 phấn đấu thu nhập bình quân đầu người trong vùng DTTS từ 84 - 87 triệu đồng (bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh); Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 2,0 - 3,0%/năm; Thu hẹp căn bản khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng trong tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các hộ đồng bào dân tộc được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa chất lượng cao; tiếp tục thực hiện nâng cao các chỉ tiêu về phát triển sản xuất, kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo nhằm từng bước phát triển toàn diện, nhanh, bền vững và hội nhập, đảm bảo an ninh, quốc phòng ổn định vững chắc...

 Những kết quả đạt được về công tác dân tộc ở tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua đã cho thấy chưa bao giờ Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền tỉnh Lâm Đồng thiếu quan tâm đến vấn đề này. Những thành quả to lớn đã làm thay đổi toàn diện mọi mặt đời sống vùng đồng bào DTTS đã là minh chứng, câu trả lời không cần phải bàn cãi chống lại các tư tưởng thù địch luôn mượn các vấn đề dân tộc để không ngừng xuyên tạc các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về các vấn đề dân tộc nhằm chia rẽ, chống phá lại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của chúng ta. Những kết quả làm đổi thay toàn diện vùng đồng bào DTTS này đã thay thế mọi câu trả lời phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch luôn mượn các vấn đề về các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên để lấy cớ xuyên tạc, chống phá với mưu đồ phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Quan điểm xuyên suốt, được thể hiện nhất quán trong những chính sách của Ðảng và Nhà nước ta đối với các DTTS luôn bám sát theo tư tưởng của Bác, đó chính là “Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Ðoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”[3]. Do đó, có thể thấy tất cả chủ trương, chính sách, các chương trình hành động của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua cũng không ngoài mục tiêu: Ðoàn kết các dân tộc và tạo điều kiện cho sự bứt phá về phát triển KT - XH của vùng đồng bào dân tộc. Từ kết quả đạt được đã chứng minh rằng, Lâm Đồng là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhất định, nhưng bằng những hành động mang lại kết quả ấn tượng đổi thay vùng đồng bào DTTS nêu trên, cho thấy các cấp, các ngành địa phương luôn quan tâm chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KT - XH, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội, chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từ đó, cho phép chúng ta có thể khái quát tổng thể những thành tựu, những đổi thay vùng đồng bào DTTS trong cả nước, để có thể chỉ ra những thành kiến, tư tưởng bảo thủ của các thế lực thù địch hay mượn những vấn đề dân tộc như ưu ái, phân biệt dân tộc... để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, làm sai lệch những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta là hoàn toàn sai trái, đi ngược lại với hiện thực tốt đẹp từ thành quả các chính sách dân tộc mà Việt Nam đã đạt một cách tự hào và được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong thời gian qua.

 

Tài liệu tham khảo:

- Kế hoạch số 3960/KH-UBND, ngày 4/8/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng về thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 tỉnh Lâm Đồng.

- Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 8/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030.

- Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 03/6/2022bcủa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm đồng giai đoạn 2022 - 2030. 

- Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng về Kết quả thực hiện công tác dân tộc từ 2015 - 2020.

- Báo cáo Chính trị của BCĐ Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Lâm Đồng lần thứ III năm 2019.

- Báo cáo số 199/BC-MTTQ-BTT ngày 27/4/2021 của Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng về Kết quả 15 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên (2006 - 2021).

- Báo cáo số: 603/BC-BDT ngày 09/12/2022 của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng về việc Báo cáo Kết quả công tác dân tộc năm 2022 phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

- Báo cáo số: 646/BC-BDT ngày 29/12/2022 của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng về “kết quả 05 năm thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2022”.

 

[1] Báo cáo số: 646/BC-BDT ngày 29/12/2022 của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng về “kết quả 05 năm thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2022”.

[2] Báo cáo số: 603/BC-BDT ngày 09/12/2022 của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng về việc Báo cáo Kết quả công tác dân tộc năm 2022 phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, Tập 10, tr. 608.

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

  • Hình_LD

    Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với trường Chính trị

  • Bế giảng C17

    Lễ Bế giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị C17 Lâm Đồng

  • DH ĐOAN TRUONG

    Đại hội Đoàn TNCSHCM trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 - 2027

  • HN CBCC 2022

    Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022

  • Bế giảng K36

    Lễ Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K36 hệ tập trung

  • DH Chi bo 1

    Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2022-2025 (Đại hội mẫu)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
001156093
Đang truy cập : 3