Thứ bảy, 20/04/2024

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2024)

Thứ sáu, 15 Tháng 1 2021 08:28

TÌM HIỂU QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CHO CÁN BỘ VÀ SỰ VẬN DỤNG TRONG ĐÀO TẠO CÁN BỘ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÂM ĐỒNG HIỆN NAY

 

Là một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, Hồ Chí Minh nhìn thấy rất rõ vai trò của người cán bộ trong sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Người cán bộ, trong quá trình hoạt động, ít nhiều đều phải trải qua đào tạo, bồi dưỡng với nhiều hình thức khác nhau. Do đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.

Nghiên cứu cuộc đời Hồ Chí Minh, chúng ta thấy bản thân Người là cả quá trình tự đào tạo, tự rèn luyện. Sau khi tìm thấy con đường cứu nước, con đường theo chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng ra tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội từ năm 1925 và mở các lớp huấn luyện cho thanh niên Việt Nam yêu nước. Người trực tiếp giảng bài và sau này đến năm 1927, những bài giảng đó được tập hợp trong tác phẩm Đường kách mệnh. Ngoài việc đào tạo, huấn luyện cho cán bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, Hồ Chí Minh còn biên soạn nhiều tài liệu, trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cách mạng. Trong suốt quá trình hoạt động đó Người luôn quan tâm nhiều đến phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận Mác – Lênin cho cán bộ. Theo Người, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ cần phải quan tâm đến những khía cạnh cơ bản sau:

Thứ nhất, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ phải phù hợp với đối tượng. Người rất chú ý đến đối tượng người học. Cách giảng giải cho người nghe, bao giờ Hồ Chí Minh cũng xem xem người nghe là ai. Đọc lại tác phẩm Đường kách mệnh, chúng ta thấy toát lên mẫu mực tuyệt vời về phương pháp huấn luyện cho người học hiểu được về con đường cách mạng Việt Nam, phù hợp với đối tượng tham gia con đường cách mạng vô sản. Mục đích tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ cách mạng là làm cho người ta hiểu được, hiểu rồi thì hành động theo những điều đã hiểu, đúng như Hồ Chí Minh đã nêu “tuyên ngôn” về cách viết trong cuốn Đường kách mệnh: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ…Sách này chỉ ao ước sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm kách mệnh”[1]. Hồ Chí Minh thường hay phê bình việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách không thiết thực do không chú ý phù hợp đối tượng, những giảng viên thao thao bất tuyệt với những thuật ngữ chủ quan, khách quan, biện chứng…mà không chú ý rằng, những người dự lớp huấn luyện là những anh chị em dân quân vừa mới xoá xong nạn mù chữ.

Thứ hai, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị phải gắn với thực tế. Hồ Chí Minh cho rằng, học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tiễn. Lý luận là những điều được tổng kết, rút ra từ thực tiễn, nhưng nó chỉ là thứ lý luận suông khi nó không thâm nhập trở lại thực tiễn. Học thuyết Mác – Lênin trở thành sức mạnh vật chất khi nó thâm nhập vào phong trào công nhân và các phong trào cách mạng khác. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”[2]. Trong học tập lý luận Mác – Lênin, việc chống lại bệnh giáo điều và chống lại bệnh xa rời những nguyên lý cơ bản của lý luận đó là hai điều cần chú ý như nhau. Học lý luận cốt để áp dụng vào thực tế, không nên biến lý luận Mác – Lênin thành những công thức; học lý luận không phải vì lý luận. Hồ Chí Minh phê bình rất nghiêm khắc kiểu học tầm chương trích cú, học thuộc lòng từng câu từng chữ, mà phải học để vận dụng vào công việc cụ thể của Đảng.

Sau cùng, trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phải chú ý học tập để kế thừa những kinh nghiệm tốt trên thế giới, đồng thời phải thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm hoạt động của Đảng ta để bổ sung vào kho tàng lý luận Mác – Lênin. Lý luận Mác – Lênin là những vấn đề chung nhất mà trên đó, mỗi đảng cộng sản phải vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước mình. Chính trong quá trình vận dụng như vậy, mỗi đảng lại nảy sinh những vấn đề mới mà lý luận Mác – Lênin chưa đề cập. Từ những vấn đề mới đó được tổng kết, mỗi đảng có thể bổ sung, phát triển, làm phong phú thêm lý luận Mác – Lênin. Học thuyết Mác – Lênin luôn luôn là một học thuyết “mở”, nghĩa là nó luôn luôn phải được bổ sung từ thực tiễn cuộc sống. Do vậy, học tập kinh nghiệm tốt của các đảng anh em, của quá trình vận động cách mạng thế giới cũng có nghĩa là học tập những vấn đề mới của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đương nhiên trong khi học tập kinh nghiệm của các đảng cộng sản khác, phải chú ý đến đặc điểm của dân tộc mình để vận dụng cho phù hợp.

Thực tế đã cho chúng ta thấy rõ rằng, sự nghiệp chống giặc ngoại xâm do Đảng ta lãnh đạo cũng như sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong 35 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta đã bổ sung và phát triển nhiều vấn đề mới vào lý luận Mác – Lênin. Do vậy, những kỹ năng phân tích, đánh giá tình hình quốc tế, phân tích những sự kiện trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phân tích những vấn đề trong cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương và kinh nghiệm của Đảng ta trong các thời kỳ, rút ra những vấn đề cụ thể làm sinh động thêm các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin cũng là một phương pháp đáng chú ý trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Hiện nay, Trường Chính trị Lâm Đồng đang triển khai đổi mới một cách mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ của toàn tỉnh, trong đó chú trọng vấn đề về đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Liên hệ với quan điểm của Hồ Chí Minh về phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ được thể hiện trên một số mặt sau đây:

Thứ nhất, về đối tượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận Mác – Lênin. Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong những năm qua đã đề ra nhiều phương hướng, biện pháp cách thức khác nhau nhằm phân loại và có chương trình phù hợp cho từng đối tượng. Nhiều lớp trong năm đã được đề xuất xin Tỉnh ủy cho ý kiến và đã đang được tiến hành đào tạo phù hợp với các đối tượng khác nhau như : Lớp Trung cấp lý luận chính trị - Hành chính ngành giáo dục, điện lực, y tế dành cho các đối tượng đang công tác trong ngành giáo dục, điện lực, y tế của tỉnh nói chung; lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính hệ tập trung, không tập trung tại trường, tại các huyện, thành phố trong tỉnh … bên cạnh đó nhà trường còn phối kết hợp với các ban ngành trong tỉnh để mời các các báo cáo viên tham gia công tác giảng dạy cho từng chuyên đề với các đối tượng khác nhau, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập cho học viên.

Thứ hai, chú trọng tính thực tế và sự vận dụng trong từng bài giảng chính trị. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, biến những kiến thức đã được học thành những hoạt động cụ thể ở cơ sở. Do vậy, để có tính thuyết phục hơn trong giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ của tỉnh nhà trường luôn quan tâm đến tính thực tiễn trong từng bài giảng. Do vậy, Nhà trường cũng đã định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên cũng như cả đối tượng là học viên. Về phía cán bộ, giảng viên tham gia giảng dạy, hàng năm đều xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở. Hầu hết các kế hoạch nghiên cứu thực tế tại cơ sở đều xoay quanh các chuyên ngành đào tạo do các khoa phụ trách từ đó qua hoạt động nghiên cứu thực tế giúp giảng viên có cái nhìn toàn diện và cụ thể hơn về thực tiễn tại cơ sở, biết vận dụng các tình huống cụ thể phát sinh tại cơ sở làm ví dụ minh họa sinh động cho bài giảng, giúp học viên hiểu rõ hơn về lý luận cũng như tạo sự hứng thú trong học tập cho học viên. Về phía đối tượng người học, trong các đợt đi nghiên cứu thực tế trong từng phần học, Nhà trường luôn tạo mọi thuận lợi từ liên hệ địa điểm đến định hướng nội dung nghiên cứu giúp học viên có điều kiện tốt nhất tìm hiểu thêm về tính thực tiễn trong các phần học đã được đào tạo.

Thứ ba, tích cực đổi mới phương pháp dạy và học phù hợp với yêu cầu phát triển chung của xã hội. Có thể nói, đổi mới phương pháp dạy học là yêu cầu tất yếu trong quá trình giáo dục ở nước ta hiện nay. Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám Hiệu nhà trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy cho đội ngũ giảng viên thể hiện qua việc liên kết với các học viện, các trường đại học để mở các lớp bồi dưỡng như: lớp bồi dưỡng kỹ năng thuyết trình; lớp nghiệp vụ sư phạm; lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí … thông qua từng khóa học giúp giảng viên của nhà trường có thêm nhiều kinh nghiệm hay, nhiều phương pháp dạy học mới qua đó áp dụng một cách linh hoạt vào các bài giảng để nhằm nâng cao hiệu quả truyền đạt kiến thức đến với học viên, giúp học viên hứng thú hơn với những buổi học lý luận chính trị.

Có thể nói, những quan điểm của Người về đào tạo cán bộ nói chung cũng như phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nói riêng cho đội ngũ cán bộ cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, là phương hướng cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ của Đảng và Nhà nước ta đặc biệt là đối với các trường chính trị tỉnh. Trong những năm qua, trường Chính trị Lâm Đồng luôn tích cực học tập, vận dụng sáng tạo các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Sự cố gắng nỗ lực của tập thể nhà trường, đã và đang đem lại những kết quả tốt đẹp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, là yếu tố nâng cao hiệu quả đào tạo bồi dưỡng góp phần đưa tỉnh Lâm Đồng ngày càng phát triển đáp ứng với yêu cầu của toàn xã và  sự phát triển chung của toàn dân tộc Việt Nam./.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 2, Nxb CTQG, H., 1995, tr. 262.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 12, Nxb CTQG, H., 1996, tr. 95.

Nguyễn Thế Nguyên

Khoa Xây dựng Đảng

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

  • Hình_LD

    Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng làm việc với trường Chính trị

  • Bế giảng C17

    Lễ Bế giảng lớp Cao cấp Lý luận Chính trị C17 Lâm Đồng

  • DH ĐOAN TRUONG

    Đại hội Đoàn TNCSHCM trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2022 - 2027

  • HN CBCC 2022

    Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022

  • Bế giảng K36

    Lễ Bế giảng lớp Trung cấp LLCT-HC K36 hệ tập trung

  • DH Chi bo 1

    Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2022-2025 (Đại hội mẫu)

THỐNG KÊ TRUY CẬP
001151130
Đang truy cập : 30